“Ngôi nhà” của người lao động

09/10/2009

Share

Cũng giống như phần lớn các DN Việt Nam khác, DOJI bắt đầu khởi nghiệp từ một Công ty TNHH. Nhưng chỉ sau hơn một thập kỷ, DOJI đã vươn mình vượt  trội, trở thành một Tập đoàn lớn mạnh gồm 5 Cty thành viên, 3 chi nhánh và 3 Cty liên kết góp vốn. Nhìn nhận về sự phát triển của DOJI ngày hôm nay, bà Đỗ Vũ Phương Anh- Phó Tổng giám đốc tập đoàn VBĐQ DOJI cho biết: “Đối với một DN kinh doanh nhiều lĩnh vực như Tập đoàn chúng tôi thì yếu tố nguồn nhân lực chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Chính vì thế, chúng tôi coi mối quan hệ giữa người đi xin việc và nhà tuyển dụng không phải là mối quan hệ xin- cho như thường thấy mà là mối quan hệ bình đẳng trên thị trường lao động thời hội nhập. Chúng tôi luôn trân trọng những ứng viên khi tới đây phỏng vấn. Do đó, không phải ứng viên lúc nào cũng đứng ở thế bị động mà họ cũng có quyền đưa ra những đánh giá, nhận xét về DOJI, nơi mình định xin vào làm việc”.

Với quan điểm khá cởi mở này, trong quá trình tuyển dụng nhân sự, DOJI chỉ yêu cầu ứng viên đáp ứng được khoảng 70% kiến thức, kỹ năng và tố chất mà công việc đòi hỏi, còn lại 30% DN sẽ tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo thêm cho NLĐ. Chính vì vậy, đã có không ít nhân viên sau một thời gian làm việc đã được Tập đoàn cất nhắc, điều chuyển công việc cho phù hợp với khả năng, tố chất tiềm ẩn được phát huy khi vào làm việc tại đây. Chị Tạ Thị Quế Anh – một trưởng quầy bán lẻ tâm sự: “ Em vốn là một cử nhân ngoại ngữ, chuyên ngành du lịch. Sau khi lập gia đình em muốn tìm một công việc ổn định, ít phải di chuyển nên em chỉ xin ứng cử vào vị trí nhân viên bán hàng tại quầy du lịch DOJI. Song sau hơn 1 năm làm việc ở đây, ý định tìm một công việc làm tạm không còn, em thực sự thích môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng không kém phần thân thiện của DOJI và quyết định gắn bó với công việc dù có thể mức lương nhân viên bán hàng không cao bằng lương hướng dẫn viên hay phiên dịch. Ở đây, không chỉ được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng bán hàng, nhân viên chúng em còn được Tập đoàn cho tham gia các khoá tập huấn liên quan về bảo vệ quyền lợi cá nhân trong công việc như cách ký hợp đồng lao động đúng luật, cập nhật những chế độ đãi ngộ ngoài lương thưởng hàng tháng mới như chế độ BH sức khoẻ toàn diện, chế độ thăm hỏi ốm đau hay cao hơn là chế độ sử dụng xe ô tô của Tập đoàn để đi lại, chế độ khám chữa bệnh tại các bệnh viện cao cấp … Không những thế, các ý kiến đóng góp của nhân viên luôn được lãnh đạo DN tôn trọng lắng nghe, trao đổi trực tiếp một cách hết sức dân chủ và có tính cầu thị”.

Đồng quan điểm, anh Phạm Việt Hùng- phụ trách kỹ thuật thuộc xưởng chế tác đá quý cho biết: “Tôi làm việc tại Cty này khoảng 15 năm nay, từ khi Tập đoàn còn là một Công ty nhỏ chuyên về sản xuất, chế tác và kinh doanh đá quý. Trong quá trình làm việc, đã có không ít lần các DN đối tác mời chào tôi về làm việc với mức lương cao gấp đôi so với mức lương tôi được trả ở đây. Nhưng tôi vẫn từ chối vì môi trường và điều kiện làm việc ở đây khiến NLĐ cảm thấy ổn định, yên tâm công hiến và gắn bó với DN. Ngoài bảo đảm đầy đủ chế độ bảo hiểm cho NLĐ như luật định, DN rất quan tâm tạo điều kiện cho mọi LĐ phát huy sức lao động sáng tạo qua đào tạo kiến thức, đưa NLĐ đi nước ngoài tập huấn nâng cao kỹ năng nghề…Đặc biệt, làm việc tại đây, tôi không cảm thấy đây là môi trường làm việc công sở mà giống như không khí của một gia đình đầm ấm, nơi mà giữa nhân viên và lãnh đạo, giữa đồng nghiệp với nhau có sự quan tâm, chia sẻ những khó khăn, trăn trở và cả những thành quả đạt được.

Có được điều này là do tập đoàn VBĐQ DOJI đã sớm xây dựng được văn hoá DN riêng có của mình.  Không xây dựng văn hoá DN theo kiểu phương Tây đôi khi hơi quá đề cao vai trò cá nhân cũng như sự sòng phẳng một cách dân chủ, nhưng cũng không khắt khe, cứng nhắc trong mối quan hệ giữa ông chủ – nhân viên như kiểu văn hoá DN Nhật – Hàn khiến NLĐ cảm thấy gò bó, ban lãnh đạo Tập đoàn đã biết chắt lọc những tinh hoa và sự sáng tạo riêng để phù hợp thực tế của DN mình. Cụ thể, với cách Lãnh đạo tập trung và phân quyền, khi mà ý chí lãnh đạo được thống nhất và chia sẻ từ những cấp quản lý cao nhất, người làm công tác quản lý dưới quyền được phân quyền và có quyền tự quyết trong phạm vi của mình để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Đi đôi với đó là việc duy trì Ý thức tổ chức kỷ luật cao trong từng cán bộ nhân viên. “Là một DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có lượng nhân viên rất đông nên nếu không có kỷ luật lao động tốt thì rất khó tạo ra được một trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp và hiệu quả được. Chúng tôi không chủ trương đưa ra kỷ luật sắt như một số nơi áp dụng, nhưng những yếu tố kỷ luật lao động cơ bản phải được chấp hành nghiêm túc. Đồng thời, chúng tôi cũng đề cao Sự công bằng và tính nhân văn trong các mối quan hệ nơi công sở. Điều này không chỉ thể hiện rõ qua việc chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ mà cả trong những cách ứng xử tại nơi làm việc, sự quan tâm của lãnh đạo đến đời sống, công việc, hoàn cảnh của từng NLĐ… Những việc làm này để NLĐ cảm nhận bầu không khí tại DOJI cũng đầm ấm như chính ngôi nhà của mình mà thêm phần gắn bó với Tập đoàn hơn. Và từ đó chúng tôi luôn có trong tay một tài sản vô cùng quý giá để phát triển DN, đó là Sức mạnh tập thể”- bà Phương Anh khẳng định.

Từ đây, tất cả đã tạo động lực cho tập thể NLĐ phát huy khả năng sáng tạo trong lao động sản xuất, đồng thời giúp DOJI vẫn từng bước phát triển bền vững, vượt qua thách thức, biến những rủi ro trở ngại thành thời cơ. Đơn cử như năm 2008, dù khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, không ít DN gặp khó khăn nhưng Tập đoàn VBĐQ DOJI vẫn đạt doanh số 5.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 75 tỉ. Đến 6 tháng đầu năm 2009, tổng doanh thu đã gần vượt chỉ tiêu của cả năm, đạt trên 6.000 tỷ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 207 triệu đôla Mỹ. Đồng thời, Tập đoàn còn đang đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động sang lĩnh vực dịch vụ khác như đầu tư và bất động sản bên cạnh các hoạt đông sản xuất kinh doanh VBĐQ và nữ trang.

Theo báo Lao động Thủ đô