Chuyện ‘thiếu gia tỷ đô’ đi làm bằng xe máy và những số 3 độc đáo của gia đình họ Đỗ

27/07/2020

Share

Sinh ra trong gia đình đã 3 đời làm kinh doanh nhưng “khoản thừa kế” quý nhất của người sáng lập Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú là “nhận thức về giá trị của lao động” chứ không phải tài sản vật chất: 5 tuổi ông Phú đã làm việc trong hợp tác xã, 7 tuổi biết nấu cơm cho 32 người ăn….

3 đời làm kinh doanh nhưng không phải cha truyền con nối
Tập đoàn DOJI do gia tộc họ Đỗ (người sáng lập là ông Đỗ Minh Phú) sở hữu nằm trong danh sách 750 doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới năm 2019. Ở Việt Nam, gia tộc họ Đỗ đã có 4 đời làm kinh doanh nhưng không phải có nghề gia truyền, gia bảo nào mà mỗi thế hệ đi theo một ngã rẽ khác nhau. Phải đến đời thứ 4 (con ông Đỗ Minh Phú) mới có sự kế thừa.

Ông Phú kể lại, ông bà nội là người Ba Vì, vốn là điền chủ có tiếng, giàu có nhất vùng Sơn Tây lúc bấy giờ. “Ông nội tôi là Chánh tổng, bà nội là địa chủ, buôn bán lụa, vải với các cửa hàng lớn ở phố Hàng Đào và buôn bán gỗ. Ông bà ngoại cũng là người kinh doanh, buôn bán chứ không làm ruộng đơn thuần”, ông Phú nói.

Cụ Đỗ Thế Sử, thân sinh ông Đỗ Minh Phú, giác ngộ cách mạng sớm. Năm 1946 toàn quốc kháng chiến, gia đình để lại ruộng, đốt hết kho thóc, kho đường, kho mật, đốt cả nhà theo chính sách tiêu thổ kháng chiến nhằm không để lại cho địch bất cứ thứ gì. Sau đó, cả gia đình đi tản cư theo bờ sông Hồng lên thượng nguồn. Điểm dừng chân là một huyện của tỉnh Yên Bái.

Cố doanh nhân Đỗ Thế Sử

“Bố tôi là học sinh trường Bưởi, đi theo cách mạng, tham gia cướp chính quyền. Năm 1946, ông là Đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa 1 và là người trẻ nhất; sau này là Tổng biên tập báo Sơn Tây. Nếu không có bước ngoặt, có lẽ ông cụ vẫn là cán bộ nhà nước”, ông Phú kể về cha mình.

Ông Phú sinh năm 1952, hai năm trước thời điểm gia đình ông hồi cư về Hà Nội. Tên của ông được đặt theo xã Minh Phú, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Xã này hiện không còn vì nằm trong lòng hồ Thủy điện Thác Bà và toàn bộ người dân ở đây đã được di dời đến vùng khác.

“Bạn bè, cả trong và ngoài nước, thường hỏi tôi rằng có phải cha mẹ đặt tên tôi là Minh Phú với mong muốn sau này người con sẽ thông minh, giàu có. Tôi cười và bảo cũng có thể. Nhưng sự thật là tên tôi được đặt theo nơi tôi sinh ra, chính là xã Minh Phú”, người sáng lập Tập đoàn DOJI chia sẻ.

Khi trở lại Hà Nội, gia đình ông Phú gặp những khó khăn chung của cả nước ở bối cảnh hòa bình vừa mới lập lại. Thế nhưng, một cán bộ ăn lương nhà nước như cụ Đỗ Thế Sử còn khó khăn gấp bội vì lúc đó ông có tới 7 người con. Sau này, khi sinh thêm 2 người con nữa là 9 và người vợ lại mắc bệnh nặng thì cụ Sử thấy không thể nuôi nổi gia đình với đồng lương nhà nước. Đó chính là lý do mà cụ Sử xin nghỉ việc nhà nước để về mở hợp tác xã thủ công nghiệp với ngành đóng sổ sách, làm khoá, moay ơ cho xe cải tiến… Thời đó, Việt Nam chỉ có 2 loại hình là kinh tế Nhà nước và kinh tế hợp tác xã.

Lúc bố làm hợp tác xã, ông Đỗ Minh Phú mới 5 tuổi nhưng đã tham gia công việc với gia đình. Năm đó, trong các công đoạn sản xuất hộp huân chương, ông Phú chuyên làm nhiệm vụ ở phần đế, đó đơn giản là việc dính hồ dán vào một miếng lụa satanh để làm cái tai cho đế cài. Lên 7 tuổi, ông Phú đã có thể nấu cơm cho 32 người ăn, bao gồm cả người trong gia đình và ở hợp tác xã của cụ Đỗ Thế Sử…

Với cụ Đỗ Thế Sử, dù làm hợp tác xã thời bao cấp, doanh nhân này vẫn nghiên cứu tìm ra cách sản xuất ra sản phẩm tốt hơn những hàng tương tự ở nơi khác làm. Với moay ơ cho xe cải tiến, cụ Sử tự mầy mò được cách đúc ra gang dẻo giúp sản phẩm bền hơn. Để làm được điều đó, doanh nhân này đã theo học hàm thụ buổi tối ở Đại học Bách khoa về cơ khí…

“Gia đình chúng tôi có 3 đời làm kinh doanh nhưng không được thừa hưởng gì từ nghề cha truyền con nối. Tuy nhiên, cái mà chúng tôi được kế thừa từ cha ông mình chính là máu lao động. Ai trong gia đình chúng tôi cũng làm việc chăm chỉ, tận tâm tận lực; luôn khao khát làm ra sản phẩm có giá trị và nếu đã làm điều gì phải cố tìm ra cách làm tốt nhất”, ông Phú chia sẻ.

Thế hệ 11 anh chị em ông Phú (sau khi cụ bà mất, 14 năm sau, cụ Đỗ Thế Sử tục huyền có thêm 2 người con nữa) cũng không có ai “nối nghiệp” các công việc mà bố mình đã làm. Riêng ông Phú sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc thì ra trường vào Viện khoa học Việt Nam làm một cán bộ nghiên cứu. Sự nghiệp kinh doanh đá quý, vàng và trang sức sau này là một cái duyên mà như ông mô tả là “nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề”. 

Ngã rẽ kinh doanh và chiếc ô tô “xịn” nhất Việt Nam
Tốt nghiệp loại xuất sắc khoa vô tuyến điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phú trở thành cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Viễn thám, Viện Khoa học Việt Nam. Công việc của ông là dùng ảnh vệ tinh làm ra các loại bản đồ hiện trạng, đưa ra dự báo thời tiết về mưa, bão. Cụ Đỗ Thế Sử cũng khá hài lòng với khởi đầu của ông Phú khi có nhiều công trình nghiên cứu ở Viện và được lãnh đạo đánh giá cao…

Thế nhưng, năm 1989, Chính phủ ban hành Nghị định 268 cho phép các đơn vị sự nghiệp lập công ty, ông Phú lại có một bước ngoặt. “Các công ty 268 chỉ được giao một con dấu, không được giao vốn nhưng được thực hiện những nhiệm vụ phục vụ cho chính mục đích của đơn vị, có hạch toán lỗ lãi. Có lẽ do thấy tôi nhanh nhẹn nên lãnh đạo giao tôi làm Phó giám đốc, đồng thời vẫn là cán bộ nghiên cứu của Viện”, ông Phú kể lại. Đơn vị mới có tên Công ty thiết bị điện tử và quang học (Elopi) và đây là công ty đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam theo mô hình này.

Năm 1991, Việt Nam xúc tiến để bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu – Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam có một người bạn là người Úc nhưng làm Chủ tịch Phân ban Đông Dương của Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan (Amcham Thái Lan) muốn mở công ty tại Việt Nam. Sau nhiều bước vận động hành lang, văn phòng công ty nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam được thành lập. Và ông Phú được lựa chọn là Tổng giám đốc kiêm Trưởng văn phòng đại diện.

Trước khi được biệt phái sang công ty này, ông Phú băn khoăn nói với Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: “Em đồng ý nhận nhiệm vụ nhưng Anh nên để nguyên biên chế Viện của em”. Tất nhiên, vị Viện trưởng đồng ý. Ông Phú được chọn cho vị trí này bởi có ngoại ngữ giỏi và đã làm tốt ở vai trò Phó giám đốc Elopi.

Trở thành Tổng giám đốc, ông Phú lĩnh lương 600 USD/tháng – một số tiền rất lớn thời đó nhưng không được nhận gì mà phải trả hết về cho Viện Khoa học Việt Nam. Ưu đãi đặc biệt mà ông Phú được hưởng là đi Toyota Crown 3.0 màu trắng nhập khẩu – chiếc ô tô sang nhất Việt Nam thời đó. Ở vị trí Tổng giám đốc công ty nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, ông Phú chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu may mặc và nông sản…

Khi bước chân sang nghiệp kinh doanh nhưng vẫn là cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam, ông Phú có cơ hội nhận một suất học bổng đi Nhật để làm luận án Tiến sĩ. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu lúc đó cũng tạo điều kiện cho “cậu học trò cưng” với cơ hội này.

Tuy nhiên, khi ông Phú về hỏi bố mình – cụ Đỗ Thế Sử nói rằng: “Con làm Tiến sĩ cũng tốt nhưng bố thấy con có năng lực về kinh doanh. Nếu làm Tiến sĩ mà chưa chắc đã đóng góp được như làm kinh doanh thì không nhất thiết. Cơ hội để làm kinh doanh không phải lúc nào cũng đến”. Đó cũng là thời điểm ông Đỗ Minh Phú quyết định thành lập công ty riêng.

Bước ngoặt với đá quý và “Ông hoàng Ruby sao”
Những năm 1990, Việt Nam tìm ra đá quý ở mỏ Lục Yên – Yên Bái; Quỳ Châu – Nghệ An với chất lượng không kém mỏ tại Myanmar và trở thành tâm điểm của giới đá quý thế giới lúc bấy giờ. Bạn bè của doanh nhân người Úc đề nghị ông này nghiên cứu thành lập một công ty liên doanh về đá quý tại Việt Nam. Một lần nữa, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu lại cử ông Phú tham gia và trở thành Tổng giám đốc công ty liên doanh đá quý VIGEMTECH.

Thời điểm đó, là một nhà nghiên cứu khoa học, ông Phú tiếp nhận các bí quyết về xử lý đá quý của đối tác Thái Lan và cùng với các đồng nghiệp tìm ra giải pháp riêng trong xử lý nhiệt đối với đá quý Việt Nam. “Người Thái có bí quyết xử lý đá quý nhưng chỉ làm theo kinh nghiệm, còn chúng tôi tìm ra phương pháp khoa học để nâng cao chất lượng đá quý”, ông Phú nói. Thành công với công nghệ này, ông Phú đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nghiên cứu Kỹ thuật đá quý của Viện Khoa học Việt Nam.

Tiền thân của Tập đoàn DOJI là Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD.

Cùng với giải pháp riêng về xử lý đá quý, sản phẩm của công ty liên doanh do ông Phú làm Tổng giám đốc trở nên nổi tiếng ở thị trường thế giới. Tuy nhiên, những bất cập của mô hình liên doanh như số vốn góp, công sức, khác biệt về tư duy quản trị… khiến cho người nghiên cứu ra công nghệ xử lý đá quý thấy không thể tiếp tục. “Tôi là Tổng giám đốc chỉ nhận lương 300 USD/tháng nhưng trả lương cho Phó Tổng giám đốc người Mỹ là 6.000 USD/tháng… là một trong những điều nếu nhìn bây giờ ai cũng thấy bất hợp lý”, ông Phú chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khiến ông Phú băn khoăn lớn hơn là: “Nếu cứ như vậy thì làm thế nào để mình có thể tự làm điều mà mình mong muốn?”. Năm 1994, ông Phú xin phép Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu nghỉ việc tại công ty liên doanh (đồng thời không đi Nhật Bản học Tiến sĩ) để thành lập công ty riêng với tên gọi Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (viết tắt của Technology and Trading Development) – tiền thân của Tập đoàn DOJI sau này. Giáo sư Hiệu đồng ý nhưng lần này, ngược lại yêu cầu ông Phú vẫn giữ vị trí cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam. Ông Phú cũng đồng ý.

Là người nắm giữ công nghệ xử lý đá quý của Việt Nam lúc bấy giờ, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cắt mài đá quý, Công ty TTD phát triển nhanh chóng. Năm 1996, Việt Nam phát hiện ra đá Ruby sao – là viên đá quý tạo ra một mặt cầu mà đánh bóng lên thì khi tia sáng chiếu tới, trên bề mặt sẽ sắp xếp ra hình ngôi sao 6 cánh. Trên thế giới, Ruby sao vô cùng hiếm, chỉ có ở Myanmar nhưng kích cỡ rất nhỏ. Vì thế, việc Việt Nam phát hiện Ruby sao thì trở thành một hiện tượng với thế giới bởi đá thô ở Việt Nam rất to, có viên đá nặng tới hàng chục kg. (DOJI hiện nay đang lưu giữ viên đá Ruby sao thô Hồng Bảo Ngọc nặng tới 18,8 kg). Còn trên thế giới to nhất cũng chỉ bằng quả táo. Đây cũng trở thành một cột mốc phát triển đặc biệt quan trọng của công ty TTD.

 “Chúng tôi là công ty tiên phong đưa Ruby sao Việt Nam ra thị trường thế giới giúp TTD được mệnh danh là “Ông hoàng Ruby sao”. Việt Nam đồng thời cũng được định danh trên bản đồ đá quý với sản phẩm VSR (Vietnam Star Ruby) nhờ sản phẩm có chất lượng đặc biệt và khối lượng đủ lớn. Hình Ruby sao cũng trở thành biểu tượng trên logo của Tập đoàn DOJI sau này”, nhà sáng lập Đỗ Minh Phú cho biết.

Tuy nhiên, sau 8 năm lăn lộn với ngành khai thác và xử lý đá quý, ông Phú nhận thấy đó là một tài nguyên phân tán, không tái tạo và chỉ là nguyên liệu. Đá quý sẽ có giá trị cao hơn nhiều khi được gắn trên trang sức. Đây là lý do năm 2002 nhà sáng lập DOJI quyết định chuyển sang chế tác trang sức vàng bạc với đá quý thay vì khai thác và buôn bán như trước. “Tôi muốn đem sản phẩm đá quý tới hàng triệu người chứ không chỉ bán cho một số thương nhân của thế giới”, ông chủ của DOJI nói.

3 lần thâu tóm với 3 cuộc khủng hoảng
Trong cuộc đời kinh doanh của mình, ông Đỗ Minh Phú thực hiện nhiều vụ thâu tóm, sáp nhập ở những thời điểm khá đặc biệt. Trong 2 năm 2007-2008, thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều co cụm lại, ông Đỗ Minh Phú quyết định thâu tóm một số công ty trong ngành gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng và Công ty cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái để tái cấu trúc các công ty do mình sở hữu, đổi tên thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, phân chia thành 6 công ty thành viên.

Trước thương vụ thâu tóm, doanh thu của DOJI là 60 tỷ đồng (năm 2006), còn sau đó là 30.000 tỷ đồng (năm 2011) và lên vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam liên tiếp trong 3 năm (2012-2013 và 2014). Năm 2019, doanh thu của DOJI là 90.000 tỷ đồng và ở trong TOP 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Năm 2012, ông Phú và em trai mình (Đỗ Anh Tú) cùng thực hiện một vụ thâu tóm đình đám khác với Tiên Phong Bank. Trước đó, người sáng lập DOJI từng mơ ước góp vốn thành lập một ngân hàng mới nhưng bất thành do đề án không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

Thế nhưng, sau khi bán Công ty Diana cho đối tác Nhật Bản và thu về một khoản tiền rất lớn, ông Đỗ Minh Phú và người em đã quyết định làm lại. Tiên Phong Bank (TPBank) là cái tên được chọn và lúc đó thuộc danh sách 9 ngân hàng yếu kém, phải tái cơ cấu. Cũng giống như thời điểm thâu tóm nhiều công ty vàng bạc đá quý 6 năm trước đó, năm 2012 là “đáy đen tối” của ngành ngân hàng Việt Nam.

Giải thích lý do chọn TPBank, ông Phú cho biết: “Đó là một cái duyên. Tôi vốn là một cán bộ khoa học, Tiên Phong Bank cũng do một nhóm các cán bộ làm khoa học trước đây lập ra là anh Trương Gia Bình, anh Lê Quang Tiến. Anh Trương Gia Bình cũng từ cái nôi Viện Khoa học Việt Nam nên chúng tôi nói chuyện với nhau rất dễ”.

Khi kế hoạch mua TPBank được tiết lộ, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng quốc doanh lớn nói với ông Phú: “Sao anh vào ngân hàng đó làm gì cho nó cực, với số tiền đó anh có thể làm rất nhiều việc khác có lãi hơn nhiều…”. Nhiều người khác cũng cho rằng, ông Phú và em mình rồi sẽ “lao đầu vào đá” vì thời điểm 2012 ngành ngân hàng nói chung cực kỳ khó khăn mà ông Phú cùng người em đều là “tân binh”. Lúc đó, nghe các lời khuyên và bình luận, ông Phú chỉ cười…

Thực tế, trong hơn 5 năm đầu tiên kể từ thời điểm đón nhận TPBank, ông Phú có những giai đoạn căng thẳng cực độ và gần như không có hôm nào đi ngủ trước 12h đêm. Từ một người chưa bao giờ phải vào bệnh viện, ông Phú đã phải phẫu thuật dạ dày và “nếm mùi” 12 ngày bất động… tại bệnh viện.

Khi ông Phú nhận ngân hàng, tổng tài sản chỉ vọn vẹn 13.000 tỷ đồng, bị lỗ mất một nửa vốn điều lệ nhưng cuối năm 2019 tổng tài sản đã lên gần 165.000 tỷ đồng, với lợi nhuận gần 4.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPBank là một trong 5 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chính thức đạt chuẩn quốc tế Basel II và được xếp loại Top 10 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam (The ASIAN Banker 2019).

Ông Đỗ Minh Phú và em trai thâu tóm TP Bank khi mà ngành ngân hàng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Năm 2020, vào đúng tâm bão của “cơn đại hồng thủy” có tên Covid-19, người sáng lập DOJI lại thực hiện tiếp một vụ thâu tóm đình đám khác với Công ty Thế giới Kim cương. Không giống với hầu hết các doanh nhân khác ở thời điểm ngặt nghèo này thường thủ thế, giữ chặt tiền mặt, ông Phú tiếp tục mở rộng.

Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI cho biết: “Tôi thấy vụ M&A này rất nhẹ nhàng vì DOJI đã có vị thế “cánh chim đầu đàn” trong ngành rồi. Kim cương cũng thuộc vào lĩnh vực lõi chúng tôi đang kinh doanh. Tôi có cảm giác mọi thứ rồi sẽ suôn sẻ thôi”.

Chia sẻ về kinh nghiệm ra quyết định M&A trong khủng hoảng, ông Phú nói: “Khi làm kinh doanh, hãy chuẩn bị tâm thế bởi lúc nào cơ hội cũng có thể đến. Khi cơ hội tới phải biết nắm bắt nhưng không phải cơ hội nào cũng là của mình. Nó phải phù hợp với những gì mình đang có”.

Nguyên tắc giúp công ty gia đình nhưng không “gia đình trị”
Trong gia đình có 11 anh chị em, ông Đỗ Minh Phú cho biết mình hợp nhất với người em áp út – Đỗ Anh Tú cả về tư duy kinh doanh, khả năng nắm bắt cơ hội và phân tích thị trường. Đây chính là lý do ông Phú và em trai cùng nhau thành lập một công ty chuyên sản xuất sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh và giấy tissue: người anh làm Chủ tịch HĐQT, em trai là Tổng giám đốc.

Sau này, khi bán Công ty Diana, ông Phú và em trai lại cùng nhau mua TPBank. Ở cả công ty sản xuất trước đây và ngân hàng sau này, ông Phú và em trai đều có sự phân công ngầm định trong vai trò ra các quyết định dựa trên thế mạnh của từng người. Ông Phú sẽ thiên về chiến lược phát triển, quản trị lõi, còn ông Đỗ Anh Tú sẽ thực hiện vận hành cụ thể, đặc biệt là có vai trò chủ chốt trong chiến lược Marketing.

Ông Đỗ Minh Phú (bên trái) và em trai Đỗ Anh Tú

Ở Tập đoàn DOJI của Ông Phú, con gái lớn làm Phó Chủ tịch HĐQT và con trai làm Tổng giám đốc. Về mô hình tại DOJI, ông Phú cho biết: “Tôi từng trải qua vị trí lãnh đạo tại tất cả các mô hình công ty có ở Việt Nam, từ hợp tác xã, công ty nhà nước, công ty nước ngoài, công ty liên doanh, công ty TNHH, công ty cổ phần… Chính vì vậy, nên tôi hiểu và có thể chắt lọc ra những gì đặc trưng nhất, áp dụng được cho DOJI”

Về nguyên tắc điều hành, dù là một công ty gia đình nhưng cả ông Phú và hiện giờ cả với con trai và con gái đều tuân thủ: “Công ty gia đình nhưng không phục vụ thuần túy cho mục tiêu và lợi ích của gia đình đó. Do vậy, dù chúng tôi nắm quyền sở hữu toàn bộ nhưng không biến việc đó thành áp đặt điều không có lợi cho những người khác cùng tham gia điều hành công ty”.

Giải thích thêm về nguyên tắc “công ty gia đình nhưng không gia đình trị”, ông Phú nói: “Tất cả mọi thành viên kể cả Chủ tịch HĐQT đều phải thực hiện theo quy định của công ty chứ không thể muốn làm gì cũng được vì cậy mình là chủ. Phải tuân thủ pháp quy, tôn trọng tổ chức. Nếu tôi, em trai hay con mình mà không làm gương thì chính chúng tôi sẽ phá vỡ công ty mà mình đã tâm huyết xây dựng nhiều năm”.

Tiếp đến, dù là công ty gia đình nhưng tại DOJI hay TPBank quyền quyết định được trao đầy đủ cho những người cộng sự (không phân biệt là thành viên gia đình hay không) đúng với vị trí mà họ giữ. “Không có chuyện “one man show” ở đây. Phân quyền là chìa khóa cho một tổ chức lớn mạnh”, ông Phú nói.

Thứ ba là yếu tố hài hòa lợi ích giữa người chủ, các cổ đông sở hữu với cán bộ nhân viên và lợi ích của xã hội thông qua sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. “Đó không chỉ là nguyên tắc mà còn là điểu mấu chốt quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Công ty gia đình mà chỉ nghĩ tới gia đình mình, không nghĩ tới xã hội thì không có sản phẩm tốt, không nghĩ tới quyền lợi người lao động thì không có cộng sự và anh em”, nhà sáng lập DOJI nhận xét.

Và cuối cùng, theo ông Phú, trong công ty gia đình, những người chủ phải gương mẫu trước với nguyên tắc tu thân: “Nếu anh không cố gắng, sản nghiệp của anh có thể tiêu tan. Vì thế, anh phải có trách nhiệm cao hơn, đồng thời phải làm việc nhiều hơn người khác để đóng góp cho tổ chức này lớn mạnh”.

Ông Chủ Tập đoàn DOJI nhấn mạnh: “Công ty gia đình nhưng đừng biến nó thành gia đình trị và không công bằng vì điều này sẽ thủ tiêu tất cả sự sáng tạo, khả năng đóng góp của những thành viên bên ngoài. Đặc biệt, thành viên của gia đình trong công ty phải phấn đấu trở thành thủ lĩnh thực sự, đứng trụ cột làm cờ thì doanh nghiệp mới phát triển được”.

Chuyện kế nghiệp ở DOJI
Khác với các thế hệ trước, con gái lớn và con trai của ông Đỗ Minh Phú được định hướng để kế nghiệp tại Tập đoàn DOJI. Cô con gái lớn Đỗ Vũ Phương Anh tốt nghiệp khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sau đó học thêm bằng MBA của Đại học Hawai (Mỹ) và về DOJI giữ vị trí Phó Tổng giám đốc.

Sau đó, Phương Anh được bố khuyến khích học tiếp Tiến sĩ với luận án về quản trị nhân lực đề tài “Khung năng lực cho quản lý cấp trung ở các công ty tư nhân tại Việt Nam”. Đây là một đề tài chưa ai thực hiện tại Việt Nam và là nhu cầu của rất nhiều công ty gia đình, trong đó có Tập đoàn DOJI (hầu hết các công ty tư nhân ở Việt Nam là sở hữu gia đình).

“Khái niệm về khung năng lực với quản lý cấp trung ở công ty tư nhân hay công ty gia đình ở Việt Nam có vẻ hơi xa vời nhưng tôi thấy nó rất cần thiết. DOJI đã vào danh sách 750 doanh nghiệp gia đình hàng đầu thế giới, chúng tôi cần có phương pháp luận về khung năng lực để đánh giá người kế nhiệm, người cộng sự để bổ nhiệm chứ không phải theo tiêu chí con ông cháu cha”, ông Phú bình luận về đề tài của con gái lớn.

Đối với con trai, sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh, ông Phú khuyên con mình học tiếp bằng Thạc sĩ về Marketing và một bằng chuyên ngành của Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA). Trở về nước, Đỗ Minh Đức làm trợ lý cho ông Phú khoảng 1 năm để học việc. Trong thời gian này, Đỗ Minh Đức đi làm bằng bằng xe máy như nhiều nhân viên khác. “Nhà tôi thì có điều kiện nhưng công ty không có tiêu chuẩn ô tô cho trợ lý và tôi không mua ô tô riêng cho con”, ông Phú giải thích ngắn gọn.

Con gái lớn – Đỗ Vũ Phương Anh (bên trái) và con trai Đỗ Minh Đức (bên phải).

Sau thời gian học việc, Đỗ Minh Đức được điều vào làm Giám đốc chi nhánh DOJI ở TP.HCM – thị trường vàng bạc đá quý cạnh tranh khốc liệt nhất Việt Nam. “Minh Đức sẽ là người điều hành DOJI sau này, phụ trách mảng kinh doanh thì cần thực chiến với các trải nghiệm va đập hàng ngày. Làm giám đốc chi nhánh TP.HCM sẽ cho Minh Đức trải nghiệm sự tự chủ, phải chịu trách nhiệm, phải tính toán nhiều thứ… ra quyết định và chịu trách nhiệm về điều đó”.

Sau thời gian học việc, Đỗ Minh Đức được điều vào làm Giám đốc chi nhánh DOJI ở TP.HCM – thị trường vàng bạc đá quý cạnh tranh khốc liệt nhất Việt Nam. “Minh Đức sẽ là người điều hành DOJI sau này, phụ trách mảng kinh doanh thì cần thực chiến với các trải nghiệm va đập hàng ngày. Làm giám đốc chi nhánh TP.HCM sẽ cho Minh Đức trải nghiệm sự tự chủ, phải chịu trách nhiệm, phải tính toán nhiều thứ… ra quyết định và chịu trách nhiệm về điều đó”.

Theo ông Phú: “Về mặt cơ bản các công việc ở DOJI đã được định hình tốt với hành trình hơn 20 năm, đủ lớn mạnh nên tôi không quá lo ngại”. Vì thế, doanh nhân này chọn tập trung cho công việc tại TPBank và giao vị trí Tổng giám đốc tại DOJI cho con trai. Tại DOJI, ông Phú giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Tương tự như nhiều doanh nhân đứng đầu các gia đình kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam, năm nay đã 68 tuổi nhưng ông Phú chưa nghĩ đến kế hoạch nghỉ hưu. “Chừng nào còn đủ sức khỏe và có thể đóng góp được cho doanh nghiệp thì tôi vẫn còn làm”, ông Phú cho biết.

3 chữ “TỰ” của họ nhà Đỗ
Nếu tính việc làm kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, gia tộc họ Đỗ đã trải qua 3 đời (từ đời doanh nhân Đỗ Thế Sử – bố ông Phú, với xuất phát điểm là một hợp tác xã thủ công nghiệp). Thế nhưng, theo ông Đỗ Minh Phú, tài sản lớn nhất mà ông cha để lại cho các con, cháu không phải là tiền bạc hay vật chất mà là giáo dục về giá trị của lao động cùng với hành trang là 3 chữ Tự: Tự lực, Tự trọng và Tự tôn.

“Ngay từ nhỏ, bố tôi đã dạy rằng khi làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ tự dùng sức của mình trước tiên, đừng bao giờ trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác trước. Đó là lý do 5 tuổi tôi đã bắt đầu làm việc giúp bố rồi dù là việc rất nhỏ, các anh chị em khác trong gia đình tôi cũng như vậy”, ông Phú nói về chữ Tự lực.

Giải thích thêm về giá trị của Tự trọng trong gia tộc họ Đỗ, ông Phú cho biết: “Phải hiểu được giá trị của bản thân nên phải làm gì cho xứng đáng với những cái đã có của ngày hôm qua, danh dự và uy tín của ngày hôm nay, rồi cho mai sau. Vì Tự trọng nên nhà họ Đỗ không làm điều xấu, không lừa dối, không làm đồ giả… Khi còn nhỏ, chúng tôi không đi xin hay ăn trộm gì của người khác dù gia đình cực kỳ khó khăn, bố làm nhà nước mà phải nuôi cả một đàn con. Trong Tập đoàn DOJI, người họ Đỗ phải hiểu rõ chữ Tự trọng thì mới lan truyền được cho những người xung quanh và cả những sản phẩm mình làm ra”.

Còn hành trang với từ Tự tôn, ông Phú kể lại câu chuyện người bố (Cố doanh nhân Đỗ Thế Sử) dặn các con: “Các con nhớ là khi đi học phải cố gắng đứng đầu lớp và chỉ khi đứng đầu lớp thì bố mới đi họp phụ huynh. Lúc ấy, cụ có tới 9 người con nên không thể đi họp cho tất cả được”. Ông Phú thường được bố mình đi họp phụ huynh vì hay đứng đầu lớp. “Tự tôn” theo giải thích của ông Phú là hiểu giá trị của mình, không chấp nhận sự thua kém; cũng nhờ “Tự tôn” mà ông chủ này không thể chấp nhận TPBank là một ngân hàng hạng 2 trên thị trường dù lúc nhận về đó là nhà băng rất yếu kém.

Ông Đỗ Minh Phú cho biết, hành trang 3 chữ Tự sẽ tiếp tục được truyền tới thế hệ tiếp theo ở DOJI và trong nhà họ Đỗ: “Bởi lẽ nếu không có Tự lực, Tự trọng, Tự tôn, thì những người kế nghiệp sẽ rất khó để có một vị trí trong tập thể này, không thể góp phần cho sự phát triển tiếp theo của DOJI hay của TP Bank được, bởi rất dễ hài lòng với những gì đã có. Thành công của ngày hôm nay không có nghĩa là thành công của ngày mai nếu bạn không cố gắng và phấn đấu”.